Những khối gỗ lớn, xù xì qua bàn tay “nhào nặn” của các nghệ nhân đã trở thành những bức tượng với nhiều hình hài, kiểu dáng khác nhau, với giá bán lên đến cả nửa tỷ đồng.
Với sự ra đời của hàng loạt công nghệ điêu khắc có sự hỗ trợ của máy móc, các tác phẩm nghệ thuật làm thủ công trở nên hiếm hoi. Nhưng một số cơ sở vẫn giữ được nghề truyền thống và đang sống khỏe. Nhiều cơ sở điêu khắc tượng đang đắt hàng với những tượng phật lớn nhỏ bán cả trong và ngoài nước.
Những cây gỗ lớn được xẻ khối theo kích thước của bức tượng. Loại gỗ được sử dụng nhiều trong điêu khắc tượng là gỗ sao.
Nghệ nhân sẽ dùng cưa máy để tạo khối hình dáng cơ bản của bức tượng như đầu, tay, chân …
Bộ đục là dụng cụ không thể thiếu trong điêu khắc gỗ.
Toàn bộ các chi tiết trên tượng đều được thực hiện thủ công, và phải mất từ 3 – 5 năm học nghề, người thợ mới thông thạo để trở thành một nghệ nhân thật sự.
Những bức tượng lớn từ 1m đến hơn 2m phải mất 2 tuần mới hoàn thiện. Giá một bức tượng điêu khắc thủ công từ 50 – hơn 500 triệu đồng tùy vào kích thước.
Người thợ nhìn hình và dùng đục để thực hiện tượng. Trên từng thớ gỗ, thợ sẽ bố trí sao cho những đường vân của gỗ được rơi vào đúng những điểm nhấn đặc biệt, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp, vừa mang nét độc đáo.
AnhHuấn, một trong số chủ cơ sở điêu khắc gỗ ở Hà Nội cho biết: “Tôi đã vào nghề điêu khắc này hơn 20 năm, đây là một nghề thủ công truyền thống mà tôi muốn lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Mặt hàng đang thịnh nhất là các loại tượng phật, hiện nay cơ sở của tôi nhận được khá nhiều đơn hàng, đặc biệt nhiều bạn hàng từ nước ngoài cũng tìm đến đặt hàng”.
Một bức tượng phật cao gần 2m có giá 300 triệu đồng đã hoàn thiện và đang chờ giao cho khách.
Tượng xuất khẩu được đóng trong những kiện bằng gỗ dán mã số.
Từng pho tượng mang những dáng vẻ thanh thoát.
Một bức tượng phật với nhiều chi tiết cầu kỳ.
Tượng gỗ có nhiều nét độc đáo từ vân gỗ cho đến nét mềm mại và có độ bền hơn các pho tượng làm bằng xi măng, nên dù giá cao vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng.